Hàm HLOOKUP Trong Excel: Cách Sử Dụng Hàm HLOOKUP, Có Ví Dụ Cụ Thể

Rate this post

Bên cạnh VLOOKUP, HLOOKUP là một hàm dò tìm và trả về kết quả dễ sử dụng và cũng rất phổ biến trong Excel. Office Whyvn sẽ hướng dẫn chi tiết bạn cách sử dụng hàm VLOOKUP trong bài viết sau nhé.

Ví dụ trong bài được thực hiện trên phiên bản Excel 2016. Bạn có thể áp dụng tương tự trên các phiên bản Excel khác như: 2007, 2010, 2013, 2017 và Microsoft Excel 365.

1. Hàm HLOOKUP là gì?

Hàm HLOOKUP được sử dụng khi bạn cần dò tìm dữ liệu trong một bảng, một phạm vi theo hàng ngang (từ trái qua phải) và trả về dữ liệu tương ứng theo hàng dọc (từ trên xuống dưới) tương ứng.

Hàm HLOOKUP được sử dụng khi tìm tên sản phẩm, đơn giá, số lượng,.. dựa trên mã vạch, mã sản phẩm,… hoặc tìm tên nhân viên, xếp loại nhân viên dựa trên các tiêu chí.

Tên hàm HLOOKUP được cấu tạo từ viết tắt của H – Horizontal – hàng ngang và LOOKUP – Look Up – Dò tìm trong tiếng Anh.

2. Công thức hàm HLOOKUP

Công thức của hàm HLOOKUP:

=HLOOKUP(Lookup_value, Table_array, Row_index_ num, Range_lookup)

Trong đó:

  • Lookup_value: Giá trị cần dò tìm, có thể điền giá trị trực tiếp hoặc tham chiếu tới một ô trên bảng tính.
  • Table_array: Bảng giới hạn để dò tìm.
  • Row_index_num: Số thứ tự của hàng lấy dữ liệu trong bảng cần dò tìm, tính từ trên xuống dưới.
  • Range_lookup: tìm kiếm chính xác hay tìm kiếm tương đối với bảng giới hạn, nếu bỏ qua thì mặc định là 1.

Nếu Range_lookup = 1 (TRUE): dò tìm tương đối.

Nếu Range_lookup = 0 (FALSE): dò tìm chính xác.

Trong khi sử dụng công thức, dấu $ sẽ giúp bạn cố định Table_array khi copy công thức cho các ô dữ liệu khá. Bạn có thể trực tiếp thêm dấu $ (VD: $H$6:$J$13) trong công thức hoặc sử dụng nút F4 sau khi chọn phạm vi.

3. Ví dụ hàm HLOOKUP

Ví dụ 1: Xếp loại học sinh theo điểm

Ở ví dụ ở dưới, ta cần xếp loại học sinh trong Bảng 1 (B3:D8) với dữ kiện ở Bảng 2 (B11:F12).

Tại ô D4, ta sử dụng hàm HLOOKUP như sau:

=HLOOKUP(C4,$B$11:$F$12,2,1)

Hàm HLOOKUP sẽ dò tìm điểm số ở ô C4 trong Bảng 2 từ trái qua phải. Khi tìm thấy giá trị gần bằng, nó sẽ trả về kết quả xếp loại tương ứng nằm ở hàng 2.

Ví dụ 2: Tính phụ cấp theo chức vụ

Ở ví dụ ở dưới, ta cần tính mức phụ cấp trong Bảng 1 (B3:D8) với dữ kiện ở Bảng 2 (B11:E12).

Tại ô D4, ta sử dụng hàm HLOOKUP như sau:

=HLOOKUP(C4,$B$11:$E$12,2,0)

Hàm HLOOKUP sẽ dò tìm giá trị ở ô C4 trong Bảng 2 từ trái qua phải. Khi tìm thấy giá trị đúng, nó sẽ trả về kết quả mức phụ cấp tương ứng nằm ở hàng 2.

4. Hàm HLOOKUP kết hợp với hàm IF

Ở ví dụ dưới, ta có Bảng 1 (B3:E11) gồm tên nhân viên, nhóm của nhân viên, doanh số của nhân viên.

Dựa vào Bảng 2 (B14:F15), nếu nhân viên thuộc nhóm A, B, C, D có doanh số lớn hơn 18, 20, 17, 19, nhân viên được đánh giá là “Đạt”, nếu không là “Không Đạt”.

Tại ô E4, ta sử dụng hàm IF kết hợp hàm HLOOKUP như sau:

=IF(D4>HLOOKUP(C4,$B$14:$F$15,2,0),”Đạt”,”Không Đạt”)

Hàm HLOOKUP lúc này sẽ dò tìm và trả về chỉ tiêu tương ứng của nhóm A (ô C4) từ Bảng 2. Lúc này, ta sử dụng hàm IF để so sánh doanh số thực tế (ô D4) với chỉ tiêu và trả về kết quả “Đạt” hoặc “Không Đạt”.

Trên đây là bài viết chia sẻ cho bạn cách dùng hàm HLOOKUP trong Excel. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong việc hiểu và sử dụng hàm HLOOKUP cho công việc của mình.